Bé Bảo lẩm nhẩm đếm.
- Một...hai...năm...tám...Tám ngôi nhà mẹ ạ. Sao con không nhìn thấy ai hết?
- Ừ nhỉ. Sao không có người vậy anh?
- Chắc họ vào rừng lấy củi. Kệ họ. Hai mẹ con cứ ngồi nghỉ ở đây, anh ra ngoài hút điếu thuốc.
Bảo là một đứa trẻ biết nghe lời.Mặc dù đã muốn tót ra ngoài để chạy nhảy cho bõ nửa ngày cuồng cẳng cuồng chân trên ghế, nhưng nó vẫn ở lại trong xe và hớn hở lẩm nhẩm một bài đồng dao:
Rồng rắn lên mây
Có cây núc nắc
Có nhà khiển binh,
Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không...
Vĩ không biết tại sao thằng bé lại thuộc bài đồng dao này. Những đứa trẻ cùng lứa Bảo, thậm chí lớn hơn thế, không mấy khi còn chơi trò dân gian nữa. Hồi bé, mỗi lần nấp sau lưng một đứa trẻ rồng rắn trên khoảnh sân gạch, cứ đọc đồng thanh đến câu cuối cùng là Vĩ thấy một luồng điện chạy dọc sống lưng. Đấy là sự hồi hộp và sợ hãi đầy thú vị, nhất là những khi cô đứng cuối hàng, không có đứa bạn nào che chở sau lưng. Và kẻ đuổi bắt, chính là một trong đám trẻ hàng xóm, trở nên hết sức nguy hiểm và đáng sợ. Những cuộc đuổi bắt thường diễn ra chóng vánh, cho đến khi cô bị một bàn tay bất thần đập mạnh vào bả vai, nghĩa là trò chơi đã chấm dứt, và cô phải thay thế vai trò của kẻ truy đuổi. Không đứa trẻ nào muốn bị rơi vào vị trí ấy, là vị trí của kẻ chủ động, là vị trí của kẻ doạ cho người khác sợ hãi, nhưng cũng là vị trí của kẻ bị thua cuộc. Chỉ có điều, khi đóng vai trò làm người đuổi bắt, Vĩ thấy máu nóng trong cơ thể dồn lên, những đứa trẻ dập dờn trước mắt và cô chỉ cần lựa chọn kẻ thay thế. Cô nhớ có lần vẻ mặt hăm dọa của mình đã khiến một đứa trẻ sáu tuổi trong đám rồng rắn khóc thét lên và trò chơi bị bỏ dở giữa chừng.
Vĩ mỉm cười. Cô đồng thanh với con" Rồng rắn lên mây...thầy thuốc có nhà hay không? " và làm mặt hù doạ. Bé Bảo chúi vào một góc xe để tránh bàn tay của mẹ và cười như nắc nẻ. Khi cô túm được vạt áo sơ mi của thằng bé, nó hét lên và có vẻ sợ hãi thực sự, rồi lại cười khanh khách. Mỗi lần như vậy, Vĩ lại kéo con trai về phía mình để dụi mặt vào bộ ngực gày gò. Cô hít cái mùi thơm quen thuộc toả ra từ da thịt thằng bé và lần nào cũng thế, Vĩ thấy trong ngực mình quặn lại.
Bảo chỉ để yên vài giây rồi lại oằn ra, có vẻ như chưa muốn chấm dứt trò chơi. " Rồng rắn lên mây. Có cây...", đang cười hớn hở, thằng bé im bặt lại, mặt tái xanh và đôi mắt mở to hãi hùng.
- Sao vậy con ? - Vĩ hốt hoảng.
- ...
- Con sao vậy? Con đừng làm mẹ sợ. - Vĩ nắm lấy bàn tay đã lạnh toát của con trai.
- Mẹ ...
Thằng bé vẫn mở to mắt nhìn mẹ nó trân trối. Không phải... là nó nhìn ra phía sau lưng cô. Sau vài giây lo lắng, Vĩ đã định hình được hướng nhìn của thằng bé. Có cái gì đó đằng sau cô hay sao? Vĩ lạnh toát người. Cô từ từ quay lại... Một khuôn mặt đang áp sát cửa kính xe với hai con mắt loé lên độc ác. Đó không phải cái mặt người. Nó chỉ cách Vĩ chừng hai phân, và cái kính cửa tròngz suốt lúc này không còn ý nghĩa gì nữa.
Tiếng hét của cô và tiếng gào khóc của bé Bảo khiến Lưu vứt vội điếu thuốc chạy lại. Anh lấy một cục đất và ném vào cái vật phía ngoài cửa xe.
- Đồ thần kinh, cút ngay đi chỗ khác.
Lưu mở cửa bế thốc Bảo ra ngoài và ôm chặt lấy thằng bé vẫn còn đang run lẩy bẩy. Vĩ thấy hình nhân đã rời khỏi xe và tiến ra giữa bãi đất trống. Hắn gần như không mặc quần áo, mớ tóc đen dài bết vào nhau, thành những cục vón bẩn thỉu, hai gò má hốc hác và đôi con mắt ngây dại. Tuy nhiên, hắn lại nở một nụ cười tinh quái và có vẻ như không hề sợ sệt trước tiếng quát mắng của người khách lạ.
- Ra đây em, hít thở không khí trong lành, thằng điên ấy mà.
Vĩ đã bắt đầu hoàn hồn. Cô bước ra ngoài và đứng nép bên cạnh Lưu. Anh đưa tay choàng lên vai vợ, cười vui vẻ.
- Hai mẹ con đúng là thần hồn nát thầntính. Có thằng điên mà cũng sợ.
Kẻ điên loạn đã tiến lại bụi hoa đỏ, ngắt một nắm cài lên mớ tóc rối bù và ngửa cổ lên trời hú một tiếng dài man dại. Tiếng hú dội vào những vách đá và luồn trở lại qua những khoảng rừng rậm rạp, tạo thành những chuỗi ngân dài ghê rợn. Ngay tức thì, tiếng hú của gã điên như một tín hiệu bí mật, từ các ô cửa nhỏ đồng loạt xuất hiện chủ nhân của những ngôi nhà.
Mỗi ô cửa có khoảng bốn năm người, già có, trẻ có, đàn ông đàn bà đủ cả, nhưng không có trẻ con. Thì ra họ ở hết trong nhà chứ không phải vào rừng như Lưu đã phỏng đoán. Họ đều mặc quần áo màu chàm, rách rưới, nước da đen xỉn và nhám cả lại. Họ im lặng, chầm chậm tiến lại gần 3 người khách, và chỉ sau vài phút đã bao lấy thành một vòng tròn giữa bãi đất. Bé Bảo sợ hãi nắm chặt tay mẹ. Vĩ nín thở:
- Anh nói gì đi chứ.
- Xin chào quý vị - Lưu cất giọng hài hước như thường lệ - Chúng tôi từ thành phố đến đây, đã phải vượt qua một quãng đường rất xa để gặp quý vị. Tất cả chỉ vì mảnh đất xinh đẹp này.
Một người phụ nữ quay sang nói gì đó với những người còn lại. Họ trao đổi bằng một thứ tiếng địa phương kỳ cục mà Vĩ chưa đoán được của bộ phận thiểu số nào. Người phụ nữ rất khó đoán tuổi. Có lẽ chị ta chỉ mới ngoài ba mươi nhưng cuộc sống nhọc nhằn ở vùng đất cách ly hoàn toàn với thế giới văn minh bên ngoài khiến chị ta trông già hơn đến gần hai chục tuổi. Đôi môi thâm sì, hàm răng đen như của người nghiện thuốc và tròng mắt trắng dã làm Vĩ thấy rợn con người này. Một ông già gầy gò, tóc bạc trắng mà Vĩ đoán là trưởng bản hỏi lại người phụ nữ kia vài câu. Chị ta nói vắn tắt và ông lão gật gù, rồi nhìn chòng chọc vào bé Bảo khiến cậu chùn thêm một bước. Nhưng chợt nhận ra đằng sau cũng có rất nhiều người đang quan sát mình, Bảo lại bước lên, rồi bối rối bước tới bước lui. Sau rốt cậu bé ôm chặt lấy mẹ.Người phụ nữ tiến lên phía trước, nói bằng tiếng Kinh hơi lơ lớ:
- Anh là người của anh Sương.
- Tôi là Lưu, chủ tương lai của miếng đất này. - Lưu trả lời bằng một giọng đầy quyền lực.
Người phụ nữ chăm chú nhìn Lưu dò xét.
- Anh vẫn trả chúng tôi theo giá mà anh Sương đã thoả thuận?
- Đúng thế.
- Bao giờ thì chúng tôi phải chuyển đi?
- Sau khi trang trại đã xây dựng xong xuôi.
Vĩ quay sang nhìn chồng lạ lùng. Chừng như muốn giải thích luôn cho cả vợ và người phụ nữ kia hiểu, Lưu khoanh tay trước ngực theo kiểu đã quen với việc ra quyết định.
- Tôi muốn thuê người làng để xây dựng trang trại. Mọi người cứ ở trong nhà của mình. Khi nào công việc hoàn tất thì tôi mới san bằng khu nhà kia.
Người phụ nữ tiếp tục trao đổi với những người trong làng. Vĩ thấy rõ những khuôn mặt lầm lũi kia tỏ vẻ hài lòng, cho dù không ai mỉm cười. Từng ấy năm sống với Lưu, Vĩ luôn nể chồng ở mọi quyết định chính xác. Trong bất kỳ trường hợp nào, Lưu đều nảy ra cách giải quyết sáng suốt khiến người khác phải kinh ngạc. Lưu quay sang nháy mắt với vợ.
- Em thấy không, tại sao phải điều thợ từ nơi khác đến cho phiền hà. Nhân công ở đây vừa rẻ mạt, lại đã quen với địa hình. Họ thông thổ đường đi lối lại và khí hậu. Hẵng cứ để họ ở lại cho đến giờ phút cuối cùng. Khi nhà kia phá sau cũng được. Anh tính sẽ đặt vài chuồng nuôi gấu ở đó.
- Chúng tôi đồng ý - Người phụ nữ quay sang nói với Lưu - Bao giờ thì anh bắt đầu?
- Tuần sau.
- Nhưng mà ...- Người phụ nữ băn khoăn liếc nhìn gã điên lúc nãy đang ngồi trên một mô đất và gườm gườm đôi mắt nhìn đám đông. - Anh vẫn phải hỏi ý kiến một chủ nhà nữa.
- Được rồi, v